Nước điện giải ion kiềm có thể giúp giảm độ axit trong máu, nước tiểu; giúp tăng thải axit uric qua thận; góp phần hỗ trợ giảm biến chứng bệnh gout.
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM khi tham gia buổi tọa đàm “Nước điện giải ion kiềm có tốt cho người bệnh gout?” vừa diễn ra trên VnExpress. Cùng có mặt tại chương trình là ông Lê Đức Phú, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nước ion kiềm.
Hai khách mời tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Quỳnh Trần |
Nói về thực trạng bệnh gout (gút), bác sĩ Yến Phi cho biết gout đang ngày một gia tăng cùng với các bệnh mạn tính không lây khác liên quan đến dinh dưỡng, lối sống. Các bệnh lý của con người nhìn chung được tạo ra do 2 nguồn gây bệnh chính: bên trong và ngoài. Các tác nhân bên ngoài như virus, vi trùng, vi nấm… khi nhiễm vào cơ thể sẽ gây tổn hại dẫn đến bệnh lý. Nhóm bệnh thứ hai được hình thành do sự rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể. Rối loạn chuyển hóa mỡ gây bệnh tim mạch, tăng lipit máu; rối loạn chuyển hóa đường gây bệnh rối loạn đường huyết lúc đói, đái tháo đường; rối loạn chuyển hóa đạm gây một số bệnh trong đó thường gặp nhất là bệnh gout.
Gout ngày càng trẻ hóa, nhiều người chủ quan dẫn đến nguy cơ suy thận
Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa chất đạm. Chất đạm khi vào trong tế bào sẽ chuyển hóa để xây dựng các cơ quan, cấu trúc cơ thể. Trong số những chất đạm ăn vào sẽ có một phần nhỏ được chuyển hóa thành năng lượng. Đạm có 20 loại axit amin khác nhau, một số axit khi chuyển hóa sẽ tạo thành axit uric. Axit uric này khi ở môi trường trong cơ thể sẽ chuyển thành dạng tinh thể, tức các muối urat. Muối urat lắng đọng trong khớp, thận gây ra triệu chứng bệnh gout.
Nếu để tinh thể lắng đọng lâu ngày sẽ dẫn đến tổn thương, thoái hóa các cấu trúc khớp và thận, gây đau đớn, có thể khiến khớp không thể hoạt động, viên sỏi nhỏ làm tắc các ống thận dẫn đến suy thận.
Bác sĩ Yến Phi và ông Đức Phú chia sẻ về căn bệnh gout. Ảnh: Quỳnh Trần |
Xét về nguyên nhân gây bệnh, yếu tố quan trọng nhất là di truyền, nhưng khả năng một người có di truyền bị mắc bệnh gout thật sự chỉ còn khoảng 20-30% nếu chú trọng điều chỉnh cuộc sống và dinh dưỡng từ sớm. Lối sống, dinh dưỡng, vận động ảnh hưởng đến trên 50% khả năng mắc bệnh. Hiện nay, tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh lý liên quan chuyển hóa mỡ, chuyển hóa đường đều tăng, đi kèm theo đó là rối loạn chuyển hóa đạm, tức là bệnh gout tăng theo.
Trong thời gian gần đây, các bác sĩ nội tiết cảnh báo bệnh đang trẻ hóa, có cả phụ nữ dù trước đây gout được coi là “bệnh nhà giàu”, tức chỉ có ở người ăn uống nhiều, dinh dưỡng dư thừa, uống rượu, không hoạt động thể lực. Nhưng bây giờ những người hoạt động nhiều vẫn có khả năng mắc gout và tỷ lệ gia tăng dần đều cùng các bệnh khác.
Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ tăng lên nhưng nhiều người không biết về bệnh gout, chỉ nghĩ nó là bệnh xương khớp thông thường, qua đợt gout cấp đầu tiên tưởng rằng đã trị hết gout rồi, bỏ bê việc điều trị, theo dõi. Nhận định sai lầm này dẫn đến nguy cơ là sau đợt gout cấp đầu tiên, đến khi quay trở lại với bác sĩ thì gout không nằm ở xương khớp nữa mà đã đi tới thận, tổn thương thận dẫn đến tử vong. Thứ hai, không biết cách phòng ngừa ngay từ đầu để ngăn chặn chuyển hóa bên trong cơ thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ gout gia tăng.
Cần phát hiện sớm thay vì chờ dấu hiệu
Bác sĩ Yến Phi nhấn mạnh, với bệnh gout cần đặt mục tiêu phát hiện từ sớm chứ không chờ đến dấu hiệu đầu tiên. Lý do, bệnh thường tiến triển lâu dài, có thể đến 20 năm trước khi có cơn gout cấp đầu tiên. Quá trình tích lũy các axit uric gây hiện tượng tăng axit uric trong máu, từ nhẹ lên nặng mất gần 10-20 năm mới xuất hiện cơn đau khớp đầu tiên. Vậy nên nếu chờ đến khi các cơn đau khớp xuất hiện mới biết mình bị gout thì đã là quá muộn bởi tinh thể lắng đọng trong khớp khá nhiều rồi.
Bệnh gout rất dễ phát hiện thông qua việc xét nghiệm máu hàng năm, khám sức khỏe định kỳ. Trong khám sức khỏe định kỳ sẽ có hạng mục thử axit uric máu. Nếu thấy nồng độ này tăng hơn bình thường, đặc biệt ở bối cảnh gia đình có người mắc gout thì bạn cần điều chỉnh các yếu tố: ăn uống, tập luyện, giảm cân, thở đúng… để hỗ trợ việc giữ axit uric ở mức bình thường.
Bác sĩ Yến Phi cho biết cần sớm phát hiện bệnh trước khi có dấu hiệu về cơn gout cấp đầu tiên. Ảnh: Quỳnh Trần |
Nếu mức axit uric này không tăng vượt quá mức bình thường thì sẽ không có hiện tượng đóng cặn hay tinh thể kết tủa trong khớp và trong thận, không phát triển thành gout dù gia đình có người mắc bệnh. Các cơ quan y tế khuyến cáo, việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm cần thực hiện với mọi người, đặc biệt trên 30 tuổi cần khám ít nhất một lần mỗi năm, trên 40 tuổi thì ít nhất 2 lần mỗi năm. Vì theo quá trình lão hóa, những tế bào hoạt động yếu đi thì nguy cơ sẽ tăng lên. Mọi người không nên mang tâm lý sợ đến bệnh viện hay chủ quan, nghĩ rằng vẫn khỏe mạnh không mắc bệnh, từ đó lơ là việc khám định kỳ. Mọi căn bệnh luôn có giai đoạn tiềm ẩn trước khi phát bệnh, khám sức khỏe là cách để phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn đó.
Với những người không thăm khám thì triệu chứng đầu tiên của gout là đau khớp. Có đến 90% người bệnh bị đau ở ngón cái bàn chân phải, cơn đau được mô tả như con bò cạp cắn, phát bệnh vào 21-22h và đau quằn quại cả đêm, kéo dài 7-10 ngày. Sau đó cơ thể đáp ứng và kháng viêm nên sau cơn gout cấp đầu tiên thì các triệu chứng mất hẳn. Điều này dẫn đến việc bệnh nhân nghĩ rằng bệnh đã hết nhưng thực tế axit uric tiếp tục tăng, việc lắng đọng tinh thể vẫn tiếp tục tạo ra trong các khớp và thận.
Nếu không điều trị thì việc lắng đọng sẽ tiếp tục và cơn đau viêm khớp tiếp theo sẽ xuất hiện vào 5-10 năm sau. Thời điểm cơn đau thứ hai xuất hiện cũng là lúc thì các cơn đau sẽ tái đi tái lại nhiều lần, đau khớp sưng lên, cục tophi xuất hiện khiến khớp biến dạng, có thể đóng ở cả vành tai và nhiều nơi khác, chất lượng cuộc sống giảm… Tuy vậy sự thay đổi trên khớp chưa phải là nguy cơ thật sự của căn bệnh. Bác sĩ Yến Phi chia sẻ, chúng ta có thể đau, xấu vì khớp biến dạng, mất vận động vì khớp tổn thương nhưng nguy hiểm hơn cả là khớp biến dạng tới đâu thì thận biến dạng tới đó mà lại không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Giải pháp cho người mắc bệnh gout
Bác sĩ Yến Phi cho biết, những người chỉ mới phát hiện triệu chứng cận lâm sàng, tức thử máu thấy axit uric tăng, chưa viêm khớp thì không cần uống thuốc. Lúc này nên áp dụng một số phương pháp để hạn chế phát triển thành bệnh gout, như:
– Giữ cân nặng, vòng eo ở mức phù hợp: Bệnh gout xuất hiện nhiều hơn ở những người bị hội chứng chuyển hóa, vòng eo to. Vòng eo của nữ trên 80 cm, của nam trên 90 cm là yếu tố nguy cơ, nên tập luyện để vòng eo thon gọn hơn dưới mức này.
– Trọng lượng cơ thể ở mức cân đối: Trọng lượng lý tưởng có thể được tính bằng chiều cao (cm) trừ 110, nên duy trì trọng lượng cơ thể trong khoảng này. Bên cạnh đó, chất lượng của trọng lượng như khối xương, khối cơ, khối mỡ, khối nước cũng cần được quan tâm. Nếu như trọng lượng 50 kg nhưng người có khối nạc nhiều hơn thì nguy cơ bệnh gout ít hơn. Có thể tăng khối nạc bằng cách tập thể dục.
– Thở đúng cách: Nên tập thở vì chất dinh dưỡng vào trong tế bào, khi có đủ oxy sẽ chuyển hóa thành năng lượng. Nếu thiếu oxy thì sẽ chuyển hóa theo quy trình khác, tạo thành chất cặn bã làm tăng nguy cơ bệnh gout.
Tập thở bằng cách thở cho lồng ngực lớn nhất, tức là hạ hết cơ hoành xuống, lồng ngực trước sau phải căng lên để tổng thể tích chứa không khí lớn lên, lúc đó, không khí mới có thể ùa vào nhiều, dễ dàng hơn. Hít thật sâu vào và nín thở sau đó ép hết cỡ để thở ra, cần ngưng một chút cho không khí dơ được thải ra hết.
– Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ rất quan trọng, giúp cơ thể phục hồi và sửa chữa các tổn thương. Nếu không ngủ đủ giấc, hậu quả dẫn đến là các chất cặn bã không được thải ra khỏi cơ thể.
– Dinh dưỡng cân bằng: Tỷ lệ các chất đạm, bột đường, chất béo mỗi ngày đảm bảo sự cân bằng hợp lý. Ăn đủ để không tăng cân nhưng cũng không quá kiêng hem, ăn thiếu năng lượng đến mức cơ thể suy kiệt. Bạn nên ăn ngày ba bữa, cứ một chén cơm đi kèm nửa chén chất đạm, hai chén rau, nửa chén trái cây.
Theo bác sĩ Yến Phi, các biện pháp trên không chỉ ngăn axit uric tăng mà còn có thể ngăn cả bệnh tiểu đường. Nếu bệnh nhân đi khám định kỳ axit uirc vượt quá cao, cơ thể không tự điều chỉnh được thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn uống thêm một số loại thuốc để hạ mức axit uric xuống. Vì axit uric được thải ra qua đường thận nên đi tiểu càng nhiều, nước tiểu càng lỏng thì axit uric thải ra tốt hơn. Bạn nên uống đủ lượng nước, cân bằng lượng kiềm và axit trong cơ thể bằng cách ăn nhiều rau xanh chứa chất xơ, tránh các loại nước có tính axit quá mạnh như rượu cồn để bảo vệ thận.
Hai khách mời đưa ra nhiều thông tin hữu ích xoay quanh bệnh gout. Ảnh: Quỳnh Trần |
Dinh dưỡng cho người mắc bệnh gout
Khi mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng thì áp lực nhất cho bệnh nhân là phải thay đổi khẩu phần. Đặc biệt, có những thực phẩm mà bệnh nhân gout phải bỏ hẳn vì sự ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng lên bệnh là rất cao. Lúc này, bạn cần tập cho mình thói quen mới đầu tiên là không được sử dụng là rượu, bia. Chất cồn gây ảnh hưởng mạnh tế bào gan, tạo điều kiện cho hiện tượng chuyển hóa đạm thành axit uric nhiều hơn, ngăn cản thải axit uric qua đường thận.
Thứ hai, bệnh nhân gout phải giảm thịt đỏ – trong thành phần có chứa các chất ion axit như phốt pho, lưu huỳnh. Mọi người có thể tạm nhớ cách phân loại thịt bằng cách dựa vào nguồn gốc, thịt của con có bốn chân trở lên là thịt đỏ: heo, bò, tôm, cua…; hai chân trở xuống là thịt trắng, như gà, vịt, lươn, ếch, cá… Tổng lượng đạm cần ăn một ngày của bệnh nhân gout (người trưởng thành, khỏe mạnh, lao động tay chân nhiều) không vượt quá 200 gram, chia đều trong 3 bữa ăn, chủ yếu là với thịt trắng. Không nên ăn chay, vì đạm từ đậu chứa nhiều gốc purin hơn, làm tăng tạo axit uric nhiều hơn. Chế độ ăn khuyến nghị là ưu tiên đạm trắng nhưng không quá 200 gram mỗi ngày.
Thứ ba, cần tăng thực phẩm giàu kiềm như rau xanh (lá, củ, quả) và không dưới 300 gram. Các loại trái cây ưu tiên chọn không ngọt vì đường trái cây sẽ được chuyển hóa tại gan, ăn vào gây tăng độ chuyển hóa axit tại gan. Tiếp đến, uống nhiều nước lọc, bổ sung 20% là nước điện giải ion kiềm (nước ion kiềm) với độ pH là 8,5-9,5. Hạn chế ăn các loại “mầm non” như giá, nấm, măng…; vì chúng chứa chất ức chế thải axit uric qua đường thận.
Ngoài dinh dưỡng, bệnh nhân gout cần cố gắng thở đủ, ngủ đủ, tập luyện để tăng khối cơ. Bệnh nhân bị gout thường bị đau các khớp nhỏ nên có thể tập luyện khối cơ bằng tạ tay, đạp xe tác động khối cơ đùi, bơi lội để tập vùng lưng. Tập luyện là liệu pháp phối hợp góp phần điều trị bệnh gout, giúp kích hoạt hệ thống chuyển hóa theo hướng giảm axit uric.
Nước điện giải ion kiềm hỗ trợ giảm biến chứng gout
Với căn bệnh có nhiều yếu tố ảnh hưởng như gout, không thể áp dụng các biện pháp riêng lẻ mà cần một bộ phương pháp điều trị, gồm 5 cách như trên. Trong số các cơ chế giảm bệnh gout, có một điểm cần lưu ý nếu môi trường càng axit, nước tiểu càng axit thì lượng tinh thể đóng cặn càng nhiều hơn, nên người gout cần gia tăng độ kiềm trong nước tiểu.
Vậy nên sử dụng thêm nước kiềm là để giảm biến chứng. Bác sĩ Yến Phi nhấn mạnh, nước kiềm không trị được bệnh gout theo cơ chế ngăn cản tế bào sản sinh axit uric; cũng không thể nói: cứ ăn nhiều thịt, uống rượu rồi dùng nước điện giải ion kiềm để trung hòa, đây là quan điểm sai. “Vai trò của nước điện giải ion kiềm là làm giảm độ axit trong máu và nước tiểu; tăng thải axit uric trong máu và nước tiểu ra ngoài; kéo nồng độ axit uric trong máu về mức bình thường”, bà nói.
Vì vậy người bệnh gout có thể sử dụng nước điện giải ion kiềm nhưng cần sử dụng đúng mức, phù hợp với cơ thể. Không nên mang tâm lý uống nhiều nước kiềm thì sẽ thải được nhiều axit uric vì đi kèm với nó là những chất dinh dưỡng khác cũng bị thải ra như canxi, kali, natri… khiến cơ thể mất dự trữ.
Uống thế nào là cân đối? Trung bình một ngày, một người cần uống lượng nước bằng với cân nặng (kg) nhân 40. Trong đó, 60% là nước lọc, 20% là sữa, 20% là nước khác. Với người bình thường, 20% này có thể là trà, nước ngọt, nước cam… còn người bệnh gout thì 20% này tốt nhất nên sử dụng nước kiềm vì nếu chọn trà sữa, nước chanh… cũng khiến nguy cơ axit trong máu tăng lên.
Đặc tính của nước điện giải ion kiềm
Giải thích về nước điện giải ion kiềm, ông Đức Phú cho biết, điện giải ion kiềm được gọi là nước kangen, nghĩa là hoàn nguyên. Theo triết lý của người Nhật, loại nước này sẽ giúp đưa cơ thể trở lại trạng thái cân bằng và khỏe mạnh tự nhiên. Loại nước này có nguồn gốc từ các bệnh viện Nhật Bản vào năm 1950, tạo thành nhờ việc sử dụng công nghệ điện phân để tái cấu trúc, tạo ra nước ở dạng ion H+ và OH-, độ pH dao động 8,5-9,5.
Hội nghị Y khoa Nhật Bản lần thứ 25 (năm 1999) chứng nhận nước điện giải ion kiềm là nước uống hàng ngày phù hợp nhiều đối tượng và độ tuổi, có lợi với sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa nhiều loại bệnh.
Một số nghiên cứu cho thấy nước điện giải ion kiềm có hydrogen phân tử – chất chống oxy hóa mạnh, giúp hỗ trợ nâng cao sức khỏe, hạn chế một số bệnh do quá trình lão hóa gây ra. Cấu trúc phân tử nước siêu nhỏ 0,5 nanomet (nhỏ hơn nước thường gấp 5 lần), hỗ trợ quá trình trao đổi chất, đào thải các độc tố. Loại nước này còn giàu vi khoáng thiết yếu cung cấp cho cơ thể như canxi, magie, kali, natri.
Chú trọng tới mục tiêu phòng bệnh, y tế dự phòng tại Nhật Bản đã có nhiều nghiên cứu giúp người dân cải thiện, nâng cao sức khỏe. Nước điện giải ion kiềm được sử dụng tại Nhật như một cách góp phần bảo vệ cơ thể. Ngày 11/7 được chọn là ngày nước ion kiềm tại xứ sở hoa anh đào.
Ông Phú đưa ra nhiều lưu ý cho độc giả khi chọn mua máy tạo nước điện giải ion kiềm. Ảnh: Quỳnh Trần |
Từ năm 1970, nước điện giải ion kiềm được sử dụng rộng rãi tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn, Đức, Pháp. Còn tại Việt Nam, loại nước mới được biết đến cách đây khoảng bốn năm.
Ngoài có tác dụng với bệnh nhân gout, bác sĩ Yến Phi cho biết người bình thường cũng có thể sử dụng nước ion kiềm để hỗ trợ nâng cao sức khỏe. Thông thường, pH máu phải duy trì ở mức 7,35. Trong quá trình hoạt động của cơ thể sẽ luôn có axit tạo ra, kéo mức pH này xuống thấp hơn mức sinh lý. Lúc này cơ thể phải huy động ion kiềm để trung hòa lại pH.
Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ axit trong máu cao thì có thể dùng nước điện giải ion kiềm như một giải pháp để giảm bớt nguy cơ, cân bằng pH trong cơ thể. Những đối tượng trong nhóm này gồm người không hoạt động cơ bắp, tỷ lệ mỡ cao; người làm việc trong văn phòng máy lạnh, không hít thở đủ oxy; không ngủ đủ giấc; uống nhiều bia rượu… Nước điện giải ion kiềm còn hỗ trợ duy trì tế bào ở mức tốt, giúp cơ thể trẻ và khỏe hơn.
Theo ông Đức Phú, hiện tại trên thị trường, máy tạo nước điện giải ion kiềm có giá dao động 20-100 triệu đồng. Giá thành khác nhau tùy thuộc vào công nghệ, số lượng các tấm lá điện cực, nguồn gốc xuất xứ, độ uy tín của nhà sản xuất. Chất lượng nước cũng có sự khác nhau, cụ thể là lượng hydrogen hòa tan trong nước.
Sản phẩm chăm sóc sức khỏe thường có thời gian sử dụng 10-25 năm nên ông khuyên dùng sản phẩm uy tín để có dịch vụ bảo hành tốt. Nên đến các trung tâm lớn, nhà sản xuất có đại diện ở Việt Nam để có thể đối chiếu, so sánh các sản phẩm và chọn được loại phù hợp. Không nên mua loại đã quá hạn sử dụng vì các tấm lá điện cực có thời gian điện phân nhất định. Nếu mua sản phẩm cũ, bạn sẽ không biết thời gian sử dụng của tấm lá điện cực còn lại bao lâu. Một số người thường chú ý tuổi thọ của lõi lọc, tuy nhiên điều này có thể chưa chính xác.
Tổng kết lại, bác sĩ Yến Phi lưu ý nếu trong gia đình có người bệnh gout, đi khám thấy có hiện tượng gia tăng axit uric trong máu tức là phải xem như mình đã mắc bệnh và phải bắt đầu áp dụng các biện pháp điều trị gout không dùng thuốc gồm: giữ trọng lượng cơ thể ở mức ổn định, thở đủ, ngủ đủ, vận động đủ, dinh dưỡng phù hợp bằng cách giảm đạm, tăng cường rau xanh, bỏ bia, rượu. Uống đủ lượng nước để axit uric được thải ra qua đường thận. Bạn có thể uống khoảng 60% nước lọc (1-1,2 lít mỗi ngày) và 40% còn lại (400-500 ml) có thể dùng nước ion kiềm để giảm lượng kết tủa tinh thể muối urat trong thận, tránh tình trạng tiến triển thành bệnh gout.